Thăm dò ý kiến
Đánh giá của bạn về thông tin và chức năng được cung cấp bởi Website này?
Từ ngày 1.1.2017 bắt đầu xử phạt hành vi xe không sang tên đổi chủ: Không có chuyện dừng xe chỉ để phạt riêng hành vi này (28/11/2016)
Ðây là khẳng định của trung tá Ngô Ðức Hoài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Bình Định khi nói về việc từ ngày 1.1.2017, lực lượng CSGT sẽ xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký sang tên của người đang sử dụng xe theo Nghị định 46/2016/NÐ-CP.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi kiểm tra giấy tờ xe
sẽ không xác minh và xử phạt xe không “chính chủ”.
* Thưa ông, đến thời điểm này, không ít người vẫn chưa tường minh quy định này và cho rằng, đang lưu thông trên đường chẳng may bị CSGT phát hiện xe không chính chủ cũng sẽ bị phạt. Vậy nên hiểu quy định này thế nào cho đúng?
- Thực ra, xử phạt hành vi xe không sang tên đổi chủ theo Nghị định 46/2016 cũng không khác gì so với quy định tại Thông tư 15/2014/BCA của Bộ Công an ban hành ngày 4.4.2014 về đăng ký xe. Theo Thông tư 15, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu (hợp đồng mua, bán, tặng, cho, thừa kế, quyết định phân bổ, điều động... phương tiện) thì tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sở hữu phải đến cơ quan chức năng đăng ký sang tên chuyển quyền sở hữu trong giấy đăng ký sang tên mình, hoặc di chuyển đi tỉnh khác (nếu ở ngoài tỉnh). Thông tư quy định rất rõ, đến ngày thứ 31 kể từ khi 2 bên có hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu xe (bằng chứng từ) mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ thì mới bị xử phạt.
Theo Nghị định 46 và theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt xe không “chính chủ”, trừ phi người điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi khác (chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, gây TNGT...) khi CSGT kiểm tra và phát hiện đã có giấy tờ chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ thì mới phạt thêm hành vi này. Cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân... cũng không cần phải chứng minh, giải thích với lực lượng CSGT về chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký xe.
Đối với mô tô, xe máy, mức phạt cho hành vi này là 100-200 ngàn đồng/cá nhân; 200-400 ngàn đồng/tổ chức, đơn vị. Với ô tô, xe chuyên dùng... phạt 1-2 triệu đồng/cá nhân và 2-4 triệu đồng/tổ chức. Từ ngày 1.8.2016, đã tiến hành xử phạt đối với hành vi không sang tên đổi chủ ô tô.
* Tại tỉnh ta, việc sang tên đổi chủ phương tiện thời gian qua ra sao, thưa ông?
- Đầu năm 2016 đến nay, đã có 859 ô tô đăng ký sang tên, di chuyển sang tỉnh khác và 2.346 mô tô được đăng ký sang tên đổi chủ. Riêng tháng 11.2016, có 232 mô tô sang tên.
Cũng từ ngày 1.8.2016 đến nay, qua công tác đăng ký ô tô, Phòng CSGT đã phát hiện, xử phạt 84 trường hợp đến sang tên đổi chủ ô tô muộn quá 1 tháng kể từ ngày 2 bên làm hợp đồng chuyển nhượng, mua bán; người bị phạt là chủ mới của phương tiện.
* Vậy với các trường hợp đến nay vẫn chưa thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, sẽ giải quyết như thế nào?
- Hiện nay, Phòng CSGT đã thông báo cho UBND và Công an các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và nhờ các phương tiện truyền thông tiếp tục thông báo rộng rãi đến cho người dân biết và tiếp tục sang tên đổi chủ phương tiện trước ngày 1.1.2017. Hiện nay, thủ tục sang tên đổi chủ rất đơn giản: Không cần xác nhận của chủ bán phương tiện; người chủ hiện thời chỉ cần làm tờ khai, cà số khung, số máy và nhờ chính quyền địa phương xác nhận xe là của mình, sau đó đi đóng thuế trước bạ và đến công an đăng ký. Nếu để sau ngày 31.12.2016, thủ tục sẽ phức tạp hơn, mua qua bao nhiêu đời chủ sẽ phải có xác nhận của bấy nhiêu người.
Ngoài ra, nếu trong thời gian chưa sang tên đổi chủ, chủ cũ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phương tiện cho đến khi làm xong thủ tục sang tên cho chủ mới.
* Cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Bình Định
Tin đã đưa |